Hòa giải tranh chấp đất đai không thành, gửi đơn kiện ở đâu?
Trường hợp hòa giải tại UBND cấp xã không thành, bạn được quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp để giải quyết theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Bạn đọc hỏi: Ao nhà hàng xóm tiếp giáp với vườn nhà tôi. Đất ao lở và ăn vào đến giữa mảnh vườn. Hiện tại, diện tích mảnh vườn nhà tôi chỉ còn 2/3 so với diện tích trong sổ đỏ.
Tôi đã thỏa thuận với chủ ao để được lấy lại diện tích vườn nhưng họ không đồng ý. Xin hỏi luật sư, tôi có thể đưa việc này ra tòa không?
Chân thành cảm ơn!
Cơ quan nào giải quyết tranh chấp đất đai? (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Trả lời:
Do chia sẻ của bạn còn nhiều điều chưa rõ nên chúng tôi tư vấn các trường hợp của bạn như sau:
Nếu diện tích đất của bạn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Đây là trường hợp rất khó để xác định ai là người có quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này. Vì thế, để chứng minh được bạn là người có quyền sử dụng đất mà hàng xóm đang lấn chiếm thì trong hồ sơ địa chính do phường, xã đo đạc phải có ghi về diện tích, vị trí cắm mốc mảnh đất. Bạn có thể dựa vào những thông tin này để xác định được các căn cứ, cơ sở để đòi lại đất.
Nếu bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bạn: Với trường hợp này, bạn yêu cầu hàng xóm trả lại phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bạn nhưng họ không đồng ý thì đó là hành vi vi phạm pháp luật đất đai theo khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.
Trong trường hợp này, bạn có thể thương lượng, hòa giải với hàng xóm để trả lại phần diện tích đã lấn chiếm. Khi 2 nhà không thể thỏa thuận với nhau được thì bạn có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải theo điều 202 Luật Đất đai về hòa giải tranh chấp đất đai.
Trường hợp hòa giải tại UBND cấp xã không thành, bạn được quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp để giải quyết theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Leave a Reply